Phương Pháp Dạy Con Tự Lập Trong Ăn Uống Của Người Nhật
Nhật Bản là quốc gia có nhiều thiên tai và hiểm hoạ tự nhiên, nên việc dạy kỹ năng sinh tồn là một trong những quyết sách quốc gia của Nhật Bản. Đối với người Nhật, sự tự lập là một trong những kỹ năng sinh tồn mà trẻ được dạy ngay từ khi còn nhỏ.

Thông qua sự tự lập, trẻ có thể:
- Xác định được giá trị của bản thân. Trẻ hiểu rằng bản thân có giá trị, hữu ích và có khả năng đảm nhận công việc, trách nhiệm.
- Định hướng được bản thân, biết sống và suy nghĩ theo cách mình muốn. Trẻ sẽ sớm hiểu rõ được mình có thể làm gì và chưa thể làm gì, biết cách sống và tự suy nghĩ, định hướng tương lai.
- Có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Sự tự lập sẽ xây nên trách nhiệm với bản thân trẻ, dần dần sẽ giúp trẻ kết thành trách nhiệm với gia đình và xã hội.
- Biết coi trọng, biết ơn những đóng góp của người khác. Trẻ sẽ coi trọng những việc cha mẹ, người khác làm hơn, vì khi phải tự làm, trẻ sẽ hiểu được những khó khăn khi thực hiện công việc đó.
- Hun đúc nên sự tự tin và can đảm. Trẻ tự lập sẽ hiểu rõ được khả năng của bản thân, điều này tạo nên sự tự tin và cam đảm ở trẻ, giúp trẻ vượt qua khó khăn sau này.
Tự ăn uống – Khởi đầu của sự tự lập.
Đối với trẻ ở giai đoạn ăn dặm và tiền học đường, sau việc ngủ, thì việc ăn cũng chiếm một khoảng thời gian rất lớn của trẻ. Do đó, mẹ Nhật đã dạy trẻ khả năng tự lập đầu tiên bắt đầu từ việc từ việc tự lập trong ăn uống.
Trẻ tự lập trong ăn uống thể hiện ở:

Ba mẹ không còn làm hộ trẻ.
Ba mẹ và cô giáo không giúp trẻ những việc đơn giản nữa, mọi việc để trẻ tự thực hiện như rửa tay, tự xúc cơm ăn, lau dọn…Thay vì các mẹ Nhật phục vụ con từng tí một, họ sẽ hướng dẫn, quan sát, lắng nghe và khích lệ trẻ để trẻ cùng hỗ trợ ba mẹ trong việc chuẩn bị bữa ăn.
Trẻ có thể tự phục vụ chính mình.
- Trẻ tự biết rửa tay trước mọi bữa ăn.
- Trẻ tự chọn và lấy đồ ăn đã chuẩn bị sẵn cho mình.
- Trẻ tự ngồi vào bàn, tự múc ăn.
- Trẻ biết tự bắt đầu ăn và biết khi nào nên dừng lại.
- Sau khi ăn, trẻ tự biết vệ sinh, dọn dẹp và cảm ơn sự giúp đỡ của mẹ/cô.
Trẻ hiểu rõ giá trị của bữa ăn.
Tự lập trong viêc ăn uống sẽ giúp trẻ hình thành nên tư duy về giá trị của bữa ăn. Do đó, sự tự lập trong ăn uống sẽ biểu hiện qua việc trẻ hiểu về sự quan trọng của bữa ăn trong sinh hoạt hàng ngày, hiểu về giá trị dinh dưỡng và lựa chọn các loại thực phẩm tốt cho cơ thể.
Việc tự lập trong ăn uống cũng thể hiện qua việc trẻ biết ơn những món ăn mà gia đình, nhà trường hay bất kỳ ai đã bỏ công sức ra để chuẩn bị cho trẻ. Đây cũng là lý do, trước mỗi bữa ăn người Nhật hay nói “Itadakimasu” và kết thúc bữa ăn bằng câu “Gochisousama deshita”, để biểu thị lòng biết ơn đến với bữa ăn đó.
Phương pháp dạy trẻ tự lập trong ăn uống
Tập cho trẻ thói quen tự ăn
Tập cho trẻ thói quen tự ăn là bước rất quan trọng trong việc giáo dục tính tự lập trong ăn uống ở trẻ. Với từng giai đoạn trước – trong – sau khi ăn, các mẹ Nhật áp dụng các phương pháp khác nhau để giáo dục tính tự lập của trẻ như sau:
Trước khi ăn.
Hướng dẫn và hỗ trợ trẻ rửa tay đúng cách
- Giai đoạn đầu, mẹ hãy hướng dẫn và hỗ trợ trẻ rửa tay đúng cách. Sau đó, chỉ quan sát và hướng dẫn lại nếu cần cho trẻ, đừng giúp rửa tay cho trẻ. Mẹ có thể treo tranh ảnh minh hoạ các bước rửa tay ngay khu vực rửa tay để trẻ nhớ và tự thực hiện theo.
- Mẹ hãy nhờ trẻ hỗ trợ những việc nhẹ, như trang trí món ăn đơn giản, tham gia sắp bàn ăn, xếp ghế, lau bát đũa…
- Trong lúc chuẩn bị ăn, mẹ có thể giới thiệu món được ăn hôm nay, giải thích đơn giản cho trẻ hiểu cách để làm ra món ăn này, liệt kê một số nguyên liệu đơn giản, khơi gợi tính tưởng tượng và thích thú của trẻ thông qua các câu truyện nhỏ liên quan tới món ăn.
Trong khi ăn.
Để trẻ tự cầm hoặc xúc ăn.
- Với trẻ nhỏ, để trẻ ngồi ngay ngắn vào bàn, mẹ hãy đựa thức ăn, rồi để trẻ tự xúc ăn. Mẹ có thể chuẩn bị các món ăn phù hợp cho bé ăn bốc như: bánh bông lan, phô mai, chuối, đu đủ, xoài, rau củ luộc thật mềm, cá trứng thịt tôm nấu mềm, cắt nhỏ… để bé vừa tự lập trong ăn uống và vừa tập ăn. Đừng xay nhuyễn mọi nguyên liệu lại với nhau, mùi vị sẽ không thật sự hấp dẫn trẻ đâu ạ.
- Với trẻ lớn hơn, hãy để trẻ ngồi vào bàn ăn, cố gắng để cả gia đình có thể cùng ăn với trẻ. Trẻ sẽ quan sát và bắt chước mọi người, khi cả nhà gắp và ăn món gì thì trẻ sẽ ăn theo và học được hành vi ăn uống phù hợp.
- Quan trọng nhất, mẹ hãy để trẻ tự ăn. Việc để cho bé tự xúc, tự gắp thức ăn không những tập cho trẻ tính tự lập mà còn đưa cho trẻ cơ hội để tự lựa chọn những loại thức ăn phù hợp trong thực đơn đã được chuẩn bị sẵn. Đây là cách để trẻ cảm nhận thấy mình được tôn trọng đồng thời cũng là cách để ba mẹ biết được con thích ăn món nào, không thích ăn món nào mà có định hướng hợp lý.
- Đừng tạo cho trẻ thói quen và nhu cầu phải xem tivi, ipad hoặc phương tiện giải trí nào khác trong khi ăn. Nhiều mẹ “dụ” con bằng việc cho con xem các phương tiện giải trí trong khi ăn, điều này chỉ khiến trẻ và mẹ bị phụ thuộc vào chúng, trẻ sẽ bị động trong việc ăn uống do tâm trí đã bị phân tâm bởi những điều thú vị hơn. Dần dần sẽ hình thành vòng lập cực kỳ khó để các mẹ thoát ra: muốn con ăn thì cho xem TV, con xem TV sẽ trở nên biếng ăn và thế là mẹ lại dùng TV “dụ” con ăn.
- Dạy trẻ những câu mời cơm như “mời ông bà, ba mẹ ăn cơm”, “chúc cả nhà ăn ngon miệng…”, ông bà, ba mẹ cũng mời lại trẻ, đi kèm là những câu khen ngợi trẻ; những câu chào mời và khen ngợi này, ngoài việc hợp với lễ nghĩa Việt Nam, còn tạo hưng phấn cho trẻ trước bữa ăn.
- Hãy khen ngợi trẻ khi trẻ ăn giỏi, trẻ cố gắng ăn những món không thích hoặc khi trẻ tỏ ra thật nghiêm túc và vui vẻ ăn. Mẹ có thể khen trẻ: “Con xúc thật gọn gang, không rơi ra ngoài chút nào.”, “con biết xé nhỏ thịt ra để ăn luôn.”, hoặc chỉ đơn giản là nhìn trẻ cười và nói “măm măm măm…” khi trẻ còn nhỏ.
- Cuối cùng, đừng quên khuyến khích động viên khi trẻ có vẻ chán, muốn bỏ ăn bằng những lời nói như: “Móm rau hôm nay hơi cứng nhỉ, nhưng nó có nhiều chất xơ tốt cho bạn ruột đấy, con hãy cố gắng ăn để giúp đỡ bạn ruột nhé!”, “Ăn đã hơi no rồi phải không con, con có thể ăn thêm một chút nữa cho bụng đủ no luôn không nhỉ?”, hoặc “các loại rau mà được con ăn sẽ vui lắm đó! Bạn khủng long ăn nhiều gì nhỉ? Thịt, rau,…con cũng như bạn khủng long nhé!”.
Sau khi ăn.
Nhờ trẻ hỗ trợ chuẩn bị trước và dọn dẹp sau bữa ăn
- Nhờ trẻ hỗ trợ mẹ dọn dẹp bàn ăn. Ít nhất là có thể tự dọn dẹp phần ăn của mình.
- Hướng dẫn trẻ tự rửa tay và vệ sinh sau ăn.
- Hãy hỏi về cảm nhận của trẻ sau bữa ăn như “con có thấy ngon không?”, “có món nào không thích không?”, “lần sau con muốn ăn món gì khác không nè?” …điều này sẽ giúp trẻ thấy được sự tôn trọng, thấy được sự cân bằng giữa kỷ luật và tự do trong ăn uống.
- Khen trẻ nếu trẻ có những biểu hiện tốt trong bàn ăn, ví dụ “chà, hôm nay con giỏi lắm, ăn hết phần cơm rồi này…”, “con đã ngồi ăn thật ngay ngắn đến cuối bữa”, “con đã cố gắng ăn rau nhỉ!!”, “con ăn sạch bong luôn nè!”…và gợi mở yêu cầu ra với trẻ nếu cần “…nếu lần sau mà con ăn hết luôn cả mấy miếng ớt chuông thì sẽ tốt lắm đấy, các bạn ớt chuông sẽ cảm ơn con lắm đó.”

Những điều cần lưu ý
Cho trẻ ăn đúng giờ, đúng bữa, đúng nơi.
Tập cho trẻ thói quen sinh hoạt, đến đúng giờ sẽ ăn. Điều này sẽ giúp trẻ quen nhịp với giờ giấc, đến đúng giờ trẻ sẽ cảm thấy đói và muốn ăn. Mẹ giai đoạn đầu hãy cố không thoả hiệp với trẻ, đúng giờ yêu cầu trẻ chuẩn bị để ngồi vào bàn ăn.
Hãy chuẩn bị ghế ngồi ăn, bàn ăn, đồ dùng cho trẻ nếu trẻ ăn riêng; hoặc để dành vị trí cho trẻ trong bàn ăn chung với gia đình. Đừng cứ để trẻ ngồi bệt dưới đất hoặc ngồi bất kỳ vị trí nào trong nhà mà trẻ thích, vì điều này sẽ khiến trẻ thấy việc ăn uống là không có vai trò quan trọng.
Sự thống nhất trong cách nuôi dạy trẻ giữa gia đình với nhà trường.
Rèn luyện sự tự lập cho trẻ trong ăn uống phải có sự thống nhất xuyên suốt từ gia đình đến nhà trường. Vì trẻ có nhiều thời gian sinh hoạt ở trường mầm non nên việc các trẻ được giáo viên dạy tính tự lập từ trường để thống nhất với định hướng và phương pháp dạy con tự lập ở nhà của mẹ là vô cùng quan trọng. Vậy, để có thể thoã mãn được điều này, các mẹ hãy:
- Chọn các trường trong đó sử dụng phương pháp hướng đến dạy kỹ năng tự lập cho trẻ.
- Luôn giữ liên lạc thông tin giữa gia đình và nhà trường.
- Chia sẻ thông tin và định hướng nuôi con một cách thẳng thắng và thoải mái với giáo viên.
Mẹ hãy chuẩn bị tâm lý thật vững.
Điều quan trọng nhất vẫn luôn là ở mẹ. Nếu mẹ muốn con có thể tự lập trong ăn uống, mẹ phải là người định hướng và chuẩn bị thật kỹ càng, hiểu rõ lợi ích và mong muốn của mình trong việc tự lập ăn uống của trẻ; hiểu phương pháp và cách thức để định hướng trẻ, và phải có một quyết tâm vững mạnh để rèn luyện cho con sự tự lập.
Hãy cố đừng vì thấy trẻ khóc lóc, bỏ ăn hay vòi vĩnh mà mẹ mềm lòng tiếp tục xúc cơm cho trẻ, ép trẻ ăn hay mở tivi để “dụ” trẻ, như vậy mọi công sức tập trẻ tự lập xem như vô ích. Mẹ hãy vững tâm, đừng sợ bây giờ con đói mà hãy sợ sau này con không thể tự đứng trên đôi chân của mình được.
- Tiên Cát, Việt Trì, Phú Thọ
- Hotline: 0963214694
- Email: khoahocnuoicon@gmail.com
- Website: nuoiconkhoahoc.edu.vn